Kiến thức

Dùng kính áp tròng sai cách có thế mù mắt

Gần đây, bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh, sinh viên, giới làm việc văn phòng gặp các biến chứng đau đỏ, nhức mắt; viêm loét giác mạc, bị mủ tiền phòng, do đeo kính áp tròng (contact lens ) không rõ nguồn gốc và không được hướng dẫn đúng thao tác. Có trường hợp cứu chữa muộn đã bị mất thị lực vĩnh viễn.

Kính áp tròng là loại thấu kính mỏng làm từ chất nhựa dẻo ngậm nước và được đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc. Khi đeo, giữa kính áp tròng và mặt trước giác mạc là một phim (lượt mỏng) nước mắt. Kính áp tròng được xem là thiết bị y tế, dùng điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt, hoặc dùng để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, hoặc dùng điều trị một số bệnh nhãn khoa.

Không nên đeo kính áp tròng quá 8 tiếng mỗi ngày và khi ngủ, trừ một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ

Lợi ích và rủi ro của kính áp tròng

Những lợi ích khi đeo kính áp tròng: kính không bị bám nước hay hơi nước khi đi trời mưa; không bị hiệu ứng hình to hoặc hình nhỏ, không hạn chế góc nhìn như kính gọng thông thường; tạo sự tự nhiên cho khuôn mặt do không phải đeo kính gọng; Không tạo cảm giác khó chịu do kính tì đè lên sống mũi; Kính rất khó bị lệch, bị rớt, hay gây sang chấn khi va chạm nên thích hợp trong các hoạt động ngoài trời hay chơi thể thao.

Với loại kính áp tròng cứng, thường được sử dụng trong thời gian rất dài và dùng cho những người bị tật khúc xạ nặng hoặc trong điều trị các bệnh ở bề mặt nhãn cầu. Với kính áp tròng mềm, dùng trong một thời gian nhất định và thường được chia thành các nhóm như: kính áp tròng ngày (đêm lấy ra và rửa, sáng đặt lại, là loại an toàn nhất cho mắt), kính áp tròng tuần (đeo cả ngày lẫn đêm trong suốt một tuần), kính áp tròng tháng (có thêm nguy cơ cho mắt).

Khi sử dụng và bảo quản kính áp tròng không đúng cách có thể gặp những biến chứng: đỏ mắt do dị ứng với dung dịch ngâm và bảo quản kính, hoặc do không rửa sạch tay khi đặt và lấy kính; Giả sụp mi, viêm bờ mi; Viêm kết mạc mạn tính, viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo tân mạch giác mạc...


Khi nào nên đeo kính áp tròng?

Về cơ bản, tất cả mọi người đều có thể đeo kính áp tròng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mắt không thể thích hợp với việc đeo kính áp tròng. Vì vậy, nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và có sự lựa chọn thích hợp khi có nhu cầu.

Thông thường, kính áp tròng sử dụng trong các trường hợp điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt: cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị… Ngoài ra, kính áp tròng còn được đeo để thay đổi màu mắt thẩm mỹ, điều trị các bệnh lý của mắt như bệnh giác mạc chóp, các trầy - khuyết biểu mô giác mạc do thương tích hay do nhiễm khuẩn, người đã mổ đục thủy tinh thể mà không thể cấy thấu kính nhân tạo vào trong mắt...

Những sai lầm khi sử dụng kính áp tròng gây hỏng mắt

Đôi mắt rất nhạy cảm, nếu bạn lạm dụng đeo kính áp tròng, sử dụng những loại nguồn gốc không rõ ràng hoặc vệ sinh kính, đeo kính không đúng cách sẽ gây ra những vấn đề bệnh lý về mắt.


Lưu ý khi sử dụng và bảo quản
  •  Cách đặt kính áp tròng:

Luôn rửa sạch tay trước khi đặt kính. Kiểm tra chiều đúng trước khi đặt kính. Đặt kính trên đầu ngón tay trỏ. Hai mắt mở to và nhìn thẳng vào gương, nhẹ nhàng áp kính vào. Khi kính áp vào, nhắm mắt lại từ từ và chớp mắt vài lần, nhỏ một giọt nước nhỏ mắt để làm mềm kính, tạo cảm giác dễ chịu hơn.

Nếu thấy cộm hoặc khó chịu, dùng đầu ngón trỏ đẩy nhẹ kính ra tròng trắng, rồi đẩy vào lại tròng đen. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên dùng đối với những người đã có kinh nghiệm đeo kính áp tròng. Tốt nhất nên tháo kính ra khỏi mắt, rửa sạch mắt và kính, rồi đặt lại theo từng bước.

  • Cách lấy kính áp tròng ra:

Rửa tay sạch. Nhỏ vài giọt nước nhỏ mắt làm mềm kính trước khi lấy kính ra. Nhìn vào gương, liếc mắt lên trên, rồi dùng ngón trỏ đặt nhẹ lên kính, rê nhẹ kính xuống phía dưới. Sau đó, dùng ngón trỏ và ngón cái gắp nhẹ kính ra ngoài.

Dùng thuốc nhỏ mắt rửa sạch mắt sau khi lấy kính ra. Khi tháo kính áp tròng ra, phải ngâm kính trong hộp riêng có dung dịch ngâm rửa kính. Kính phải được ngâm rửa ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Lưu ý đặt kính đúng thứ tự mắt phải – mắt trái vào hộp tương ứng để tránh đeo nhầm.

Cách bảo quản kính áp tròng

Sau khi tháo kính, bảo quản kính trong khay có chứa nước ngâm. Luôn thay nước ngâm sau mỗi lần sử dụng kính.

Thỉnh thoảng vệ sinh kính bằng cách bỏ kính vào lòng bàn tay, nhỏ hai hoặc ba giọt nước ngâm kính, dùng tay bóp nhẹ vài lần. Để ý kẻo móng tay nhọn có thể làm rách kính.

Nên rửa kính thường xuyên để làm sạch kính (rửa sạch tay, đặt kính lên lòng bàn tay, nhỏ vài giọt nước bảo quản kính vào kính và dùng ngón trỏ nhẹ nhàng chà miết lòng kính theo các chiều tới lui, xoay vòng ở cả hai mặt kính).

Khi sử dụng kính áp tròng không nên để móng tay quá dài vì sẽ gây khó khăn khi đặt và lấy kính. Thao tác nhẹ nhàng để tránh làm rách kính hoặc rơi kính. Nên đặt kính trước khi trang điểm và lấy kính ra sau khi tẩy trang. Dùng thuốc nhỏ mắt thường xuyên để tránh khô mắt.

Không nên đeo kính quá 8 tiếng mỗi ngày và khi ngủ, trừ một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ. Nên thay kính khi hết hạn sử dụng và đi khám ngay khi xảy ra phản ứng khó chịu khi đeo kính

Thời gian đeo kính áp tròng cho người mới sử dụng theo khuyến cáo của bác sĩ
Hướng dẫn vệ sinh kính áp tròng

Khi đã hiểu về cách đeo kính áp tròng, cách đeo lens bằng dụng cụ, người mắc tật khúc xạ cần tìm hiểu cách vệ sinh kính áp tròng.

Có rất nhiều loại kính áp tròng nhưng lens chủ yếu được xếp vào hai loại đó là loại dùng lâu dài và loại dùng một ngày. Đối với từng loại lens thì có cách vệ sinh khác nhau phù hợp.

Đối với loại kính dùng lâu dài, thường đối đa là 6 tháng thì có cách vệ sinh sạch sẽ lâu dài. Khi không sử dụng kính áp tròng thì bạn nên ngâm kính trong hộp đựng kính với dung dịch làm sạch chuyên dụng.

Khi tháo lens không sử dụng sau một ngày bụi bặm thì nên vệ sinh kính sạch sẽ bằng thuốc làm sạch kính áp tròng. Bạn đặt kính nằm ngửa lên bàn tay, đổ một chút dung dịch làm sạch kính lên rồi dùng ngón trỏ xoay nhẹ để các bụi bẩn tạp chất được đưa ra ngoài, sau đó ngâm kính vào hộp đựng kính đậy kín lại.

Vì đối với những bạn mới sử dụng kính lần đầu thì nên nhỏ mắt thường xuyên, vừa làm giảm cảm giác cộm mắt, khó chịu khi đeo mà còn làm cho mắt đỡ khô và đỏ hơn, thường sau 30 phút bạn nhỏ một lần, mỗi bên hai ngọt để mắt được làm sạch hơn.

Đeo kính áp tròng nếu không cẩn thận sẽ rất dễ làm mắt bị nhiễm trùng nên khi đi đường bạn nên sử dụng kính chắn gió hay kính chắn bụi để làm giảm thiểu lượng bụi bẩn dính vào mắt, hơn nữa còn hạn chế các dị vật khác chui vào mắt, làm xước bề mặt lens.

Với dung dịch ngâm và nhỏ mắt nên thay ít nhất từ 2 đến 3 tháng trở lên, không nên dùng nước ngâm và thuốc nhỏ mắt hết hạn, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của kính và làm mắt bị nhiễm trùng. Không thay thế dung dịch ngâm chuyên dụng bằng nước muối sinh lý hay nước lọc bình thường, điều đó không giúp làm sạch kính mà còn làm thay đổi môi trường bảo quản kính, ảnh hưởng tiêu cực đến mắt.

Cách đeo lens dễ nhất cho người dùng lần đầu (Cách đeo kính áp tròng)

Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng

Cắt bỏ móng tay sạch sẽ: Móng tay có chứa rất nhiều vi khuẩn mà bạn không thể nhìn thấy được. Bởi vậy, để tránh vi khuẩn tiếp xúc trực tiếp với kính áp tròng gây hại cho mắt, bạn nên cắt bỏ móng trước khi đeo. Đặc biệt điều này cũng hạn chế tình huống lỡ chọc tay vào mắt.

Dùng nước nhỏ mắt hỗ trợ: Nước nhỏ mắt dành cho người đeo kính áp tròng có thành phần nước mắt nhân tạo giúp cung cấp độ ẩm cho mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi oxy của giác mạc diễn ra thuận lợi hơn. Bạn nên nhỏ vài giọt nước nhỏ mắt trước khi đeo kính để tạo độ trơn cho mắt đồng thời rửa sạch bụi bẩn còn vương lại. Khi tháo kính ra cũng vậy, sử dụng nước nhỏ mắt sẽ giúp bạn tháo lens dễ dàng hơn và tránh trầy xước không đáng có.

Không đeo kính áp tròng quá thời gian quy định hay đeo qua đêm: Bạn nên ghi nhớ kĩ điều này. Vì có thể một sáng sớm thức dậy bạn sẽ không còn nhìn rõ mọi vật chỉ vì thói quen tai hại này. Hãy nhớ tháo lens trước khi đi ngủ và đặt chúng vào khay dung dịch.

Rửa lại kính bằng dung dịch trước khi đeo: Sau thời gian ngâm trong khay đựng, các chất bụi bẩn sẽ bị đánh bật ra nhờ “sức mạnh” của dung dịch kính. Lúc này bạn cần tráng rửa lại một lần nữa bằng dung dịch ngâm để trôi hết chất bẩn trước khi đeo trở lại mắt.

Đeo thêm kính gọng khi ra đường: Kính gọng trong trường hợp này sẽ giúp ngăn cản bụi bẩn bay vào mắt, làm xước kính, ngăn vi khuẩn xâm nhập vào vết xước. Đồng thời nếu di chuyển trong thời tiết nắng gắt, cặp kính râm sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Khám mắt định kỳ: Hãy giữ liên lạc với bác sĩ và khám mắt định kì theo chỉ dẫn để được biết tình trạng mắt mình.

 

Nguồn: Bệnh Viện Mắt Sài Gòn